Con lớp 1 làm toán “2+4=6” bị gạch sai, mẹ tức giận lên mạng than nhưng ai cũng đồng tình với cô giáo

Người mẹ xấu hổ khi nghe cộng đồng mạng phân tích.

Báo Người đưa tin ngày 02/04/2025 đưa thông tin với tiêu đề: “Con lớp 1 làm toán “2+4=6″ bị gạch sai, mẹ tức giận lên mạng than nhưng ai cũng đồng tình với cô giáo” cùng nội dung như sau:

Toán học là bộ môn đòi hỏi tính suy luận logic cao, thế nên khi học toán, đòi hỏi trẻ phải có sự tập trung cao. Bởi trong nhiều trường hợp, dù đáp án của bài toán đúng nhưng cách làm, cách trình bày sai thì trẻ vẫn sẽ bị điểm thấp.

Điển hình như mới đây, một phụ huynh có con học lớp 1 đã chia sẻ bài tập Toán phép cộng đơn giản của con ở trường, người mẹ khá bức xúc vì cho rằng con mình đã làm đúng nhưng lại bị cô giáo gạch sai. Chính vì vậy, người mẹ muốn hỏi ý kiến cộng đồng mạng.

Bài đăng sau đó đã nhanh chóng nhận sự quan tâm của dân tình. Cụ thể, đề bài toán tiểu học này yêu cầu học sinh hãy “viết phép tính thích hợp với mỗi tranh vẽ”. Ở bức tranh có 2 con ếch bên trái và 4 con ếch bên phải, bé học sinh đã thực hiện phép tính cộng “2 + 4 = 6”. Tuy nhiên, cô giáo lại chấm bài và ghi chữ “S” (nghĩa là sai) ở bên cạnh.

Phụ huynh khó hiểu vì nghĩ đáp án con đưa ra đúng, tuy nhiên cộng đồng mạng lại đồng tình với kết quả chấm của giáo viên. Lý do là vì bé học sinh đã đặt vị trí của các con số trong phép tính sai. Đây là bài toán về việc thêm bớt, có 4 con ếch ngồi yên, rồi mới thêm 2 con, nên đúng ra phải là “4+2 = 6”.

Từ trường hợp này, khi dạy con, các bậc bố mẹ cần phải hiểu rằng toán học là bộ môn không chỉ cần có kết quả chính xác mà còn phải tuân thủ cách làm đúng. Điều này sẽ giúp học sinh phát triển khả năng tư duy, phân tích và chú trọng đến từng bước trong quá trình giải quyết vấn đề.

Vậy phụ huynh cần lưu ý những vấn đề gì khi dạy con học toán?

– Điều chỉnh thái độ của trẻ khi giải quyết câu hỏi

Toán là môn học rất khắt khe, đồng thời cũng là môn kiểm tra tính kiên nhẫn và tính cẩn thận của học sinh. Có rất nhiều công thức, khái niệm và có nhiều câu hỏi tính toán mà học sinh tiểu học rất có thể sẽ làm sai toàn bộ bài tập chỉ vì bỏ sót hay lơ là trong một bước thực hiện nào đó.

Điều này đòi hỏi phụ huynh phải hướng dẫn con, điều chỉnh thái độ cho con khi giải các bài tập toán, giúp trẻ nhận thức rõ ràng về vấn đề chỉ cần mắc một sai lầm nhỏ trong quá trình giải bài thì có thể dẫn đến tình huống con bị mất điểm oan, nếu không muốn nhận kết quả thấp thì con cần phải cẩn thận khi làm bài.

Cũng giống như bài toán “2,3+3,7=6” bị giáo viên gạch bỏ ở trên, phụ huynh cần giải thích cho con biết lỗi ở đâu, từ đó trẻ mới nhớ mà rút kinh nghiệm cho những lần sau. Con sẽ không có sự cẩu thả, và dần dần hình thành thói quen làm bài một cách nghiêm túc.

– Hãy để trẻ phát triển thói quen xem xét

Trẻ em ngày nay áp lực học tập, số lượng bài vở ngày càng lớn, không chỉ phải hoàn thành bài tập do giáo viên giao mà còn phải làm bài tập do cha mẹ giao. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều đứa trẻ không dư dả thời gian để suy nghĩ quá lâu một bài toán, mà cần phải tìm cách giải nó sao cho nhanh hơn.

Toán học là môn học có rất nhiều phép tính và nhiều bước, nếu không cẩn thận thì học sinh có thể dễ dàng mắc sai sót. Thực tế, không chỉ môn toán mà bất kỳ môn học nào cũng phải ôn lại kiến thức sau khi học sinh hoàn thành nó.

Điều này có lợi cho trẻ trong việc kiểm tra tính chính xác của các bài tập và phát hiện vấn đề, càng có lợi hơn cho việc trẻ nắm vững các điểm kiến ​​thức đã được học. Quan trọng là giúp trẻ hình thành thói quen ôn tập các câu hỏi sau khi làm bài. Trẻ sẽ từ từ tóm tắt các phương pháp học tập của mình và tìm hiểu thêm về chúng. Việc học của trẻ sẽ ngày càng dễ dàng và vững vàng hơn nên cha mẹ hãy cố gắng hướng dẫn trẻ hình thành thói quen ôn tập.

– Bố mẹ tìm vấn đề và cùng hỗ trợ con giải quyết

Khi trẻ gặp khó khăn hoặc làm sai, cha mẹ cần nhận ra điều đó một cách tích cực và kiên nhẫn, thay vì trách móc hay phạt trẻ. Việc trẻ gặp khó khăn, như trong học tập, là điều hết sức bình thường và cần được xem là cơ hội để cha mẹ và trẻ cùng nhau học hỏi, phát triển.

Thay vì la mắng hay đánh đập trẻ, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ gặp vấn đề. Bằng cách tìm hiểu và lắng nghe, cha mẹ có thể hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Từ đó, họ có thể cùng trẻ đặt ra những câu hỏi “tại sao” để trẻ tự mình nhận ra điểm yếu của mình và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Trước đó, báo Dân trí ngày 02/03/2024 cũng có bài đăng với thông tin: “Con học lớp 1, mẹ lên mạng xin bí quyết thi đỗ… lớp 10 chuyên”. Nội dung được báo đưa như sau:

Định hướng thi chuyên chọn từ lớp 1 có sớm?

“Bé nhà em năm nay mới học lớp 1. Em muốn có định hướng từ bây giờ để sau con thi được Nguyễn Huệ. Các bác đã có kinh nghiệm cho em xin với ạ”, dòng trạng thái xin bí quyết đỗ lớp 10 chuyên của một bà mẹ lập tức gây bão mạng.

Trong phần bình luận, thay vì được tư vấn, người mẹ nhận về nhiều lời giễu cợt, chỉ trích từ cư dân mạng:

“Bạn học từ khi nào? Còn tôi, tôi biết giải đề từ lúc nhiễm sắc thể đang hình thành rồi”.

“Chị cho con “cày” trước chương trình cấp 2, làm sao lên lớp 7 là học hết chương trình cấp 2 rồi. Lúc đấy chỉ ngồi cày đề chuyên kiểu gì cũng đỗ ạ.”

“Đúng rồi, năm lớp 1 là giai đoạn khốc liệt nhất đấy ạ. Từ bây giờ chị phải cho con học giáo sư, làm quen dần với toán cao cấp và phân tích văn học. IELTS của em nó sẽ phải đạt 9.0 trước năm lớp 3. Trẻ con bây giờ học nhiều lắm, sơ hở là mất chỗ luôn ạ.”

Sau 1 tuần, bài đăng của người mẹ nhận về gần 400 bình luận và hơn 200 lượt chia sẻ. Phần đa cho rằng người mẹ đang gây áp lực học hành với đứa con lớp 1 để thực hiện ước mơ của chính mình.

Chị Nguyễn Mai Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con đều học trường chuyên nói: “Tôi không bất ngờ với câu hỏi của người mẹ. Trên thực tế, nhiều gia đình định hướng chuyên chọn cho con từ lớp 1. Họ không lên mạng xin tư vấn mà thôi”.

Theo chị Mai Anh, mong muốn con sẽ học trường chuyên trong tương lai là mong muốn chính đáng của các phụ huynh. Tại Hà Nội, với mức độ canh tranh khắc nghiệt vào các trường chuyên, việc chuẩn bị hành trang và định hướng cho con từ lớp 1 là không quá sớm.

“Định hướng không có nghĩa là ép con học hành vất vả ngay từ lớp 1, mà chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Ví dụ, phần lớn học sinh đỗ chuyên bậc THPT là học sinh của các lớp chọn, học sinh các trường chất lượng cao của thành phố. Để đỗ vào những trường THCS chất lượng cao này, cha mẹ cần đồng hành với con từ bậc tiểu học.

Không có nhiều học sinh có tư chất đặc biệt, không cần học hành gì nhiều mà vẫn đỗ trường chuyên, lớp chọn, đạt giải học sinh giỏi này khác. Phần lớn là những học sinh được định hướng từ sớm, có lộ trình sớm, có đường đi nước bước đúng đắn, hiệu quả.

Học sinh lớp 1 học online trong đợt dịch Covid-19 (Ảnh: Hoàng Hồng).

Vậy nên, nghe qua thì thấy chuyện con mới lớp 1 mà mẹ đã tính kế chọn trường lớp 10 là hoang đường, nhưng thực tế thì đó là biết lo xa.

Chuyện lo xa đó sẽ gây ra hệ quả gì thì tôi không bàn. Vì mỗi gia đình có một cách thức giáo dục con khác nhau, dẫn tới các hệ quả khác nhau. Cá nhân tôi rất đồng cảm với người mẹ này. Tôi mong chị ấy tìm được hướng đi đúng đắn, đồng hành cùng con trong hạnh phúc để đạt được mục tiêu đề ra”, chị Mai Anh chia sẻ.

Ngôi trường không phải là điều kiện để trẻ thành công

Ở góc nhìn của chuyên gia giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội – nhận định: “Tôi thấy rằng rất nhiều phụ huynh đang lầm tưởng “ngôi trường” là điều kiện để con mình thành công. Nhiều cha mẹ đặt ra áp lực cho con cái phải vào được những ngôi trường danh tiếng với niềm tin rằng ngôi trường đó sẽ đảm bảo con họ có tương lai”.

Ông Nam khẳng định, một ngôi trường chỉ là phương tiện, không gian để giúp con trẻ đi đến mục tiêu.

“Việc cha mẹ định hướng rèn luyện con ngay từ lớp 1 để vào được trường chuyên không phù hợp với tư tưởng giáo dục hiện đại, thậm chí còn gây nhiều áp lực lên trẻ, làm đứa trẻ sớm mất cân bằng cuộc sống, không để tâm hoặc có không gian để vui chơi giải trí và phát triển các kỹ năng mềm”, ông Nam nói.

PGS.TS Trần Thành Nam (Ảnh: Thành Đông).

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh, việc định hướng cụ thể từ lớp 1 cũng sẽ vô tình đóng khung khả năng của trẻ. Nếu định hướng không phù hợp, mâu thuẫn về quan điểm giáo dục giữa các thành viên trong gia đình có thể xảy ra, làm tăng sự căng thẳng và mâu thuẫn cha mẹ – con cái.

“Học tập là một quá trình lâu dài, trong thời đại hiện nay, chúng ta chẳng thể biết được chúng ta của 10 năm sau sẽ như thế nào. Tương lai của 10 năm sau có lẽ sẽ rất khác so với những gì chúng ta đang hình dung.

Để chuẩn bị cho một tương lai bất định như vậy, cha mẹ hãy để con được trải nghiệm một môi trường tự nhiên và giàu trải nghiệm phù hợp với độ tuổi. Một không gian thật vui vẻ thoải mái để các con hứng thú với việc học, có năng lực tự học và tự định hướng phát triển bản thân.

Một không gian tôn trọng sở thích và năng khiếu của trẻ, cho phép trẻ thể nghiệm những thứ mới lạ mà không bị phát xét, và trong môi trường đó, cha mẹ luôn là người đồng hành và khích lệ. Đó là điều quan trọng hơn bất cứ một ngôi trường nào mà bố mẹ cho rằng “tốt” và phù hợp với con”, ông Nam đưa ra lời khuyên.

Nguồn: https://blogtamsu.vn/con-lop-1-lam-toan-246-bi-gach-sai-me-tuc-gian-len-mang-than-nhung-ai-cung-dong-tinh-voi-co-giao-112045.html?utm_source=blogtamsu_tracking&utm_campaign=hoanganh&fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAYnJpZBExOEJsQnpiYnJBTTIya0g5cQEeiREsvdPJmeAQAZnX12nGShlvRmOfgAFFXCeUtJl3E-ufM9PaODvqH5B95o0_aem_ir8uAUd1biTOBXy9n8dY7A